Linh chi là loại nấm nổi tiếng đã được sử dụng lâu đời trong y học cổ truyền nước ta. Tuy nhiên chỉ đến gần đây các nhà khoa học mới bắt đầu đặc biệt chú ý đến bào tử của nấm Linh chi và các thành phần của nó, một phần vì bào tử nấm Linh chi được bao bọc bởi 2 lớp vỏ rất cứng, khó phá vỡ, trong một vài năm trở lại đây các nhà khoa học mới tìm ra phương pháp phá vỡ lớp vỏ này và chiết xuất ra các hợp chất có hoạt tính sinh học. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đề cập đến những thông tin khoa học về các hợp chất có hoạt tính sinh học trong bào tử và tác dụng sinh học nó, như tác dụng trong hoạt động thần kinh, trong việc chống lão hóa, và bảo vệ tế bào. 

Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của cố giáo sư Đỗ Tất Lợi, nấm Linh chi còn gọi là Linh chi thảo, nấm trường thọ. Tên khoa học là Ganoderma lucidum (Leyss ex. Fr.) Karst, thuộc họ Nấm gỗ Ganodermataceae.

Về thực vật, người ta xác định nấm linh chi là một loại nấm hóa gỗ có cuống dài hoặc ngắn, mũ nấm có hình thận, có dạng hình tròn hay hình quạt. Cuống thường cắm không ở giữa mũ nấm mà cắm lệch sang một phía mũ. Hình trụ tròn hay dẹt có thể phân nhánh cuống và cuống có màu khác nhau tùy theo loài, loài đỏ thay đổi từ nâu đến đỏ vàng, đỏ cam, trên mặt mũ có những vân đồng tâm. Thụ tầng màu trắng ngà, khi già ngả màu nâu vàng. [2]

Bào tử có hình trứng được bao bọc bởi 2 lớp vỏ, vỏ ngoài nhẵn, không màu, vỏ trong màu gỉ sắt, lỗ nẩy mầm có hình gai nhọn. Bào tử có chiều rộng từ 6,5 – 8,0 micromet (µm), chiều dài từ 9,6 – 12,6 µm. Bề dày của vỏ ngoài từ 0,8 – 1,1 µm, vỏ trong từ 1,1 – 1,4 µm, chủ yếu chứa silic (19,01%), canxi (24,31%) và các chất vô cơ khác như magiê, nhôm, phosphat, sulfur, kali, sắt, niken…lớp vỏ này rất rắn chắc, khó phá vỡ, giúp bảo vệ các thành phần bên trong bào tử.

Bào tử nấm Linh chi dưới kính hiển vi

Các thành phần sinh học trong bào tử nấm Linh chi

  1. Các triterpen:

Các nghiên cứu cho thấy triterpen, đặc biệt loại triterpen lanostan (với khung cấu trúc là lanosterol), là một trong những thành phần có hoạt tính sinh học quan trọng nhất trong bào tử nấm Linh chi.

  1. Các sterol

Ergosterol là một tiền chất của vitamin D2, dưới tác động của ánh sáng ergosterol sẽ chuyển đổi thành vitamin D2. Ergosterol và các sản phẩm peroxy của nó có tác dụng kháng viêm.

Theo Yuan và cộng sự, trong 1 gam bào tử có chứa khoảng 1,202 mg ergosterol tự do và 2,267 mg ergosterol toàn phần.

Cấu trúc ergosterol
  1. Các acid béo

Trong bào tử có khoảng 20 loại acid béo khác nhau, chủ yếu là acid palmitic (6,12%), acid stearic (4,97%), acid oleic (67,11%), acid linoleic (9,63%) và đặc biệt là 2 hợp chất acid béo có mạch C-19 gồm acid nonadecanoic và acid cis-9-nonadecenoic được xem là 2 acid béo có tác dụng sinh học chính trong bào tử.

Cấu trúc acid nonadecanoic
Cấu trúc acid cis-9-nonadecenoic

Theo Fukuzawa và cộng sự, hỗn hợp các acid béo trong bào tử có tác dụng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư ở người.

  1. Các polisaccarit

Lượng polisaccarit trong bào tử chiếm khoảng 3,59%, gồm 2 đường chính là arabinose và glucose. 

Các tác dụng sinh học của bào tử nấm Linh chi

  1. Kháng virus

Theo Min và cộng sự, các triterpen lanostan, đặc biệt là acid ganoderic β, lucidumol B, ganodermanondiol và acid ganolucid A có tác dụng ức chế virus HIV-1 ở người.

  1. Chống lão hóa

Theo Weng và cộng sự, khi nghiên cứu về gen lão hóa UTH1, cho thấy các hợp chất trong bào tử gồm ergosterol và ganodermaside A, B, C, D có tác dụng chống lão hóa.

  1. Giúp chuyển hóa năng lượng

Theo Huang và cộng sự, các acid béo chưa bão hòa trong bào tử giúp kích thích các receptor proliferator-activated receptor (PPAR) gồm PPAR α, γ, δ, cũng như điều hòa enzym carnitin palmitoyltransferase, là những receptor và enzyme quan trọng trong chuyển hóa năng lượng.

  1. Bảo vệ cơ thể

Nghiên cứu của Gao và công sự cho thấy các acid béo giúp bảo vệ võng mạc; cũng như nghiên cứu của Jin và cộng sự, chiết xuất bào tử giúp bảo vệ gan, giảm các độc tố.

  1. Chống oxy hóa

Nghiên cứu của Zhu và cộng sự, các polisaccarit của bào tử có tác dụng chống oxy hóa, do có khả năng thu gôm các gốc tự do 1,1-diphenyl-2-picrylhydrazyl khi so sánh với vitamin C và BHT (butylated hydroxytoluen). 

  1. Hỗ trợ điều trị các bệnh thoái hóa thần kinh

Các nghiên cứu của Yu, cũng như của Zhu và các công sự, cho thấy chiết xuất bào tử giúp hỗ trợ điều trị các bệnh thoái hóa thần kinh như bệnh động kinh, bệnh Alzheimer, trầm cảm, giúp cải thiện chức năng nhận thức.

  1. Điều hòa miễn dịch

Theo Ma và cộng sự, chiết xuất bào tử có hiệu quả trong việc điều hòa các bạch cầu, gia tăng các protein miễn dịch như interleukin, yếu tố hoại tử khối u (tumor necrosis factor-α), giúp tăng cường miễn dịch của cơ thể.

  1. Tác dụng kháng khối u

Nhiều nghiên cứu cho thấy dịch chiết bào tử có tác dụng trên các khối u khác nhau, như tế bào ung thư gan, ung thư vú, ung thư máu.

ThS. Trương Văn Đạt và DS. Đinh Văn Toàn

Bào tử nấm linh chi  | công dụng của nấm linh chi