Viêm là một quá trình phức tạp và là một phần của hệ miễn dịch cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi sinh vật hoặc chấn thương. Viêm được đặc trưng bởi bốn dấu hiệu bao gồm sưng, nóng, đỏ, đau. Quá trình sản xuất quá mức một số chất trung gian gây viêm có thể dẫn đến các bệnh mãn tính. Hiện tượng viêm liên quan mật thiết với các bệnh mãn tính như viêm khớp, tiểu đường, bệnh tự miễn, ung thư, tim mạch, Alzheimer… Thực tế, cơ chế miễn dịch – tác nhân hoạt hóa và tương tác với các tế bào miễn dịch khác nhau – đóng vai trò quan trọng trong sinh nguyên của các bệnh có nguồn gốc viêm, kết quả làm gia tăng quá mức các chất trung gian gây viêm. Vì vây, đích tác động chính của trị liệu viêm bằng các loại dược liệu là phải tìm kiếm đặc tính ức chế sự sản sinh các chất trung gian gây viêm của các tế bào miễn dịch.

Hiện tượng viêm và các bệnh liên quan

Rất nhiều dược liệu có tác động ức chế viêm và chống viêm khớp. Nhìn chung, các thảo dược đẩy lùi được các hiện tượng viêm nhiễm. Gần hai thập kỷ nay, Nấm Linh chi – một dược liệu sử dụng lâu đời và rộng rãi trong y học Trung Hoa được nghiên cứu sâu hơn về tác dụng kháng viêm của nó. Nhiều hoạt chất phân lập từ Nấm Linh chi có tác động trên hệ miễn dịch khác nhau. Selenium từ polysaccharide nấm linh chi ngăn chặn sự sản sinh các oxid nitric bởi sự kích hoạt lipopolysaccharid và làm giảm sự biểu hiện của các cytokine trung gian gây viêm bao gồm NO synthase, IL-1, TNF-α. Bên cạnh đó, các cytokine kháng viêm như IL-10 được gia tăng đáng kể khi sử dụng selenium nano từ Nấm Linh chi trong trị liệu.

Năm 2008, nhóm nhà khoa học người Úc thử nghiệm về hoạt tính kháng viêm trên chuột bằng mô hình viêm cấp, gây ra bằng carrageenean và viêm mạn, gây ra bằng formalin. Phân đoạn chloroform của dịch chiết Nấm Linh chi – phân đoạn giàu terpenoid – được sử dụng trong trị liệu. Thông qua đánh giá mức độ phù chân, kết quả cho thấy các phản ứng viêm cấp và viêm mạn đều bị ức chế bởi dịch chiết Nấm Linh chi. Liều thể hiện tác động hiệu quả đáng kể là 100 mg/kg khi so sánh với thuốc chuẩn diclofenac. Sự phù chân do carrageenan giảm 73,4% và 62,3% lần lượt với trị liệu bằng Nấm Linh chi 100 và 50 mg/kg. Trong mô hình viêm mạn bởi formalin, sự phù chân tương ứng giảm 63,4% và 53,4% tương ứng 2 liều trên.

Mô hình kháng viêm trên chuột của dịch chiết chloroform nấm Linh chi

Tương tự về khía cạnh này, nhiều nhà khoa học tin rằng nhóm hợp chất polysaccharide (GLP) trong Nấm Linh chi đóng vai trò quan trọng trong tác động kháng viêm và kháng khối u. Có nhiều bằng chứng khoa học chỉ ra rằng polysaccharide trong Nấm Linh chi làm tăng các yếu tố hoại tử khối u và các interferon. Năm 2011, nhóm nhà khoa học ở Ấn Độ thực hiện thí nghiệm trên chuột về đặc tính kháng viêm của polysaccharide trong Nấm Linh chi. Ở liều 25, 50 và 100 mg/kg, GLP ức chế phản ứng viêm cấp gây ra bởi carrageenean và phản ứng viêm mạn gây ra bởi formalin. Ở liều 100 mg/kg GLP thể hiện tác động kháng viêm tương đương với diclofenac liều 10 mg/kg. Vì thế, đề tài trên cho thấy rõ ràng về tác dụng kháng viêm của hợp chất polysaccharide từ Nấm Linh chi.

Bên cạnh đó, hợp chất β-D glucan chiết xuất từ thể quả của Nấm Linh chi làm giảm hoạt động của enzyme inducible nitric oxide synthetase và sự biểu hiện của gen TNF-mRNA qua đó thể hiện tác động kháng viêm hiệu quả. Nhiều công trình cũng chứng minh tác dụng hỗ trợ của Nấm Linh chi trong kháng viêm. Năm 2005, Chan và cộng sự đã báo cáo về tác dụng tăng cường sự trưởng thành của các DC bằng cách làm gia tăng các dấu chứng CD40, CD80 và CD86. Cung cấp thêm bằng chứng về tác động phụ trợ của Nấm Linh chi, năm 2009, Ahmadi and Riazipour chứng minh sự tăng biểu hiện của CD40/CD86 trên bạch cầu đơn nhân. Những bằng chứng trên cho thấy Nấm Linh chi có thể được sử dụng như một tác nhân kháng viêm hiệu quả.

Lupus ban đỏ hệ thống (SLE) là một bệnh tự miễn mãn tính đa hệ thống thường gặp ở phụ nữ trung niên với một tỷ lệ cao và gây ta tổn thương đa cơ quan bao gồm thận, da, tim, mạch máu và thần kinh trung ương. Đã có một số thuốc cải thiện tỷ lệ sống cho căn bệnh này và làm giảm đáng kể các triệu chứng của các tổn thương nghiêm trọng. Tuy nhiên, chi phí cao và các tác dụng phụ của chúng là điều đáng quan tâm. Nấm Linh chi từ lâu đã được người Trung Quốc sử dụng trong điều trị các chứng viêm và hội chứng tê liệt. Vì các triệu chứng chính của lupus ban đỏ hệ thống (SLE) bao gồm viêm các khớp, đau khớp, phù nề và hồi hộp đánh trống ngực, do đó Nấm Linh chi có thể được sử dụng như là phương pháp điều trị bệnh tự miễn. Trong một thử nghiệm trên chuột của nhóm nhà khoa học Trung Quốc vào năm 2016, sự kết hợp của Nấm Linh chi và San-Miao-San (SMS)-một vị thuốc cổ truyền của Trung Hoa cho thấy tiềm năng của dược liệu này trong trị liệu lupus ban đỏ hệ thống. Sự cộng hợp này đã làm tăng đáng kể tỷ lệ phần trăm CD4 +, CD25+, Foxp3+, Treg và IL-10+ của tế bào Breg, song song đó làm giảm nồng độ trong huyết tương của một số cytokine viêm và sự giảm sự biểu hiện của các gen cytokine tương ứng ở chuột lupus ban đỏ. Những đặc tính lâm sàng của những con chuột lupus ban đỏ được điều trị bằng Nấm Linh chi-SMS cũng được cải thiện đáng kể.

Bệnh Crohn’s là một bệnh viêm mãn tính ở đường tiêu hóa đang làm ảnh hưởng tới chất lượng sống của gần 1,4 triệu người Mỹ. Gần 25% các ca mắc bệnh mới nằm ở độ tưởi dưới 20. Hằng năm, xấp xỉ 30.000 bệnh nhân được chuẩn đoán mắc phải căn bệnh này. Những liệu pháp điều trị hiện nay thường gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm. Vì thế, cần thiết tìm kiếm một liệu pháp điều trị thay thế. Năm 2015, Changda Liu và cộng sự đã phân và thử nghiệm về hoạt tính kháng viêm của một acid triperpen garnoderic (GAC1) từ Nấm Linh chi. Những tế bào bạch cầu RAW 264.7 bị kích thích được điều trị với GAC1. Công trình được thực hiện bởi phương pháp In-Cell Western và phân tích Western blot để đánh giá các mẫu tế bào bạch cầu máu ngoại biên và mức độ của các cytokine tiền viêm thu ở những bệnh nhân bệnh Crohn’s có và không có điều trị bằng GAC1. Kết quả cho thấy GAC1 làm giảm đáng kể TNF-α và các cytokine tiền việm ở bệnh nhân Crohn’s do tác dụng làm bất hoạt NF-kB. GAC1 là tác nhân quan trọng trong linh chi tiềm năng là liệu pháp điều trị thay thế trong bệnh Crohn’s.

Nấm Linh chi – liệu pháp trị liệu tiềm năng cho bệnh Crohn’s

Qua những cứ cứ khoa học được nêu trên, Nấm Linh chi thực sự là một loại thảo dược hiệu quả đẩy lùi sự viêm và các bệnh mạn tính do viêm mạn gây ra. Tuy cần nhiều hơn về các thử nghiệm lâm sàng để có bằng chứng chắc chắc hơn về hiệu quả điều trị của chúng, với tính an toàn cao và các hiệu quả trên thử nghiệm in vitro và in vivo gợi ý việc cân nhắc loại dược liệu này và đưa vào điều trị là đáng được quan tâm khi các liệu pháp cho các bệnh trên phần lớn chi phí cao và nhiều tác dụng phụ.

Trả lời