Nam linh chi (tiếng Anh là Lingzhi hay Reishi) còn được gọi là nấm lim, vạn niên nhung, bất lão thảo, đoạn thảo, thần tiên Thảo, nấm trường thọ, nấm thần linh,… Từ xa xưa, nấm linh chi đã được sử dụng ở các nước châu Á là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,… Ở Trung Quốc, nấm linh chi lần đầu tiên được ghi lại trong “Thần nông bản thảo kinh” (triều đại Đông Hán, 25-220 năm trước Công nguyên) và được xếp vào loại thảo dược quý hơn cả nhân sâm. Một số tài liệu ghi nhận linh chi được dùng làm thuốc từ khoảng 4000 năm trước ở Trung Quốc. Trong tự nhiên, linh chi là loài thảo mộc quý hiếm với đặc điểm sinh trưởng khác biệt. 

Đặc điểm sinh trưởng của nấm linh chi trong tự nhiên

Trong tự nhiên, nam linh chi chỉ mọc ở nơi rừng rậm ít ánh sáng và có độ ẩm cao. Nấm có thể mọc trên thân cây còn sống hoặc đã chết. Loài nấm này phân bố khắp nơi trên thế giới từ rừng ôn đới cho đến rừng nhiệt đới, ký sinh hoặc hoại sinh trên các loài cây từ lá rộng đến lá kim. Tuy nhiên, không phải thân cây nào cũng mọc được nấm linh chi mà trong hàng ngàn cây mới có một cây có thể mọc. Đồng thời, nấm có vỏ ngoài cứng, nảy mầm khó nên nấm linh chi thiên nhiên rất quý hiếm.

Trong Bản thảo cương mục (1590), danh y Lý Thời Trân phân loại nấm linh chi theo màu sắc thành 6 loại (Lục Bảo Linh chi): màu vàng gọi là Hoàng chi, màu xanh là Thanh chi hay Long chi, màu đỏ là Xích chi hay Hồng chi hoặc Đan chi, màu trắng là Bạch chi hay Ngọc chi, màu đen là Huyền chi hay Hắc chi,  màu tím là Tử chi. Mỗi loại có công dụng khác nhau.

Nấm linh chi trong tự nhiên (Ảnh: Internet) 

Nấm linh chi trong điều kiện nuôi trồng

Trước đây, nấm linh chi chỉ có thể được khai thác từ tự nhiên với số lượng ít nên có giá thành rất cao. Từ năm 1970, các nhà khoa học đã thành công trong việc trồng nhân tạo nấm linh chi. Kỹ thuật nuôi trồng cũng liên tục được cải tiến. Nấm linh chi có thể được trồng trên thân gỗ, trên môi trường chứa phụ phẩm lâm nghiệp hoặc nuôi cấy chìm thu nhận sinh khối. Ngoài mùn cưa, linh chi còn có thể được trồng trên rơm rạ, bã mía,… 

Độ ẩm:

– Độ ẩm cơ chất: 60%-62%

– Độ ẩm không khí: 80-95%.

Nhiệt độ thích hợp:

– Giai đoạn nuôi sợi: 20 độ C – 30 độ C.

– Giai đoạn quả thể: 22 độ C – 28 độ C.

Độ thông thoáng:

– Trong suốt quá trình sinh trưởng quả thể, nấm linh chi đều cần có độ thông thoáng tốt.

– Dinh dưỡng: dùng trực tiếp nguồn xenluloza.

Ánh sáng:

– Giai đoạn nuôi sợi: kín gió, độ sáng vừa phải

– Giai đoạn quả thể phát triển:cần ánh sáng tán xạ được cân đối từ mọi phía.

Độ PH:

– Linh chi thích nghi trong môi trường trung tính đến axit yếu (pH 5,5-7)

Hình dáng:

– Nấm linh chi đầu tròn nhăn nheo, hơi giống hình trái thận.

– Cây nấm gồm 2 phần cuống nấm và mũ nấm.

– Cuống nấm ít phân nhánh, đôi khi có uốn khúc cong, có hình trụ với đường kính từ 0,5-3cm. 

– Mũ nấm khi còn nhỏ có hình trứng, phát triển thành hình quạt. Trên mặt mũ nấm có vân hình cung tròn đồng tâm. Bám trên bề mặt nấm là các hạt bào tử tạo thành lớp bụi mỏng rất mịn, màu nâu đỏ. 

Độ lớn:

– Đường kính tai nấm thông thường khoảng 15cm, tai nấm lớn có đường kính lên đến khoảng 25cm

Nuôi trồng nấm linh chi (Ảnh: Internet) 

Linh chi trong tự nhiên tận dụng nguồn dinh dưỡng có sẵn để tổng hợp hoạt chất. Theo thời gian, linh chi sẽ già và hóa gỗ, giảm khả năng sinh sản nên hàm lượng hoạt chất sẽ giảm. Nếu môi trường sống bị ô nhiễm thì linh chi sẽ bị nhiễm các chất độc, đặc biệt là các kim loại nặng. Vì vậy, cần thận trọng khi sử dụng nấm linh chi tự nhiên. Trong khi đó, nam linh chi được nuôi trồng phải đảm bảo quy trình kỹ thuật và an toàn vệ sinh, tuân thủ các quy định về trồng, thu hái và bảo quản. Các tiêu chuẩn về hàm lượng hoạt chất, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hàm lượng kim loại nặng… sẽ được kiểm tra theo Tiêu chuẩn công bố hoặc Tiêu chuẩn Quốc gia về thuốc dược liệu (Dược điển Việt Nam 5).

Nguồn: 

  1. http://nnptnt.vinhphuc.gov.vn/content/tintuc/lists/News/Attachments/33717/Bai%201.%20Dac%20diem%20sinh%20hoc%20cua%20nam%20linh%20chi.pdf
  2. https://linhchitruongsinh.vn/hoi-dap-voi-chuyen-gia/