Rối loạn lipid máu là tình trạng tăng cholesterol, triglyceride huyết tương hoặc cả 2, hay sự giảm HDL, gia tăng LDL. Nguyên nhân có thể do nguyên phát hoặc thứ phát. Rối loạn lipid máu, chủ yếu là nồng độ cholesterol cao, góp phần gây ra khoảng 56% bệnh tim thiếu máu cục bộ và 18% đột quỵ, dẫn đến 4,4 triệu người tử vong hàng năm trên thế giới. Tầm soát và kiểm soát lipid huyết là cần thiết bởi đây là nguyên nhân dẫn đến các bệnh nguy hiểm khác. Việc kiểm soát lipid huyết có thể thực hiện từ đơn giản nhất là thay đổi lối sống với chế độ ăn uống và luyện tập hợp lí. Kế đến là sử dụng thuốc hạ lipid huyết như nhóm statin, fibrate, resin, ức chế hấp thu cholesterol… Ngoài ra, với ưu thế ít tác dụng phụ, việc sử dụng dược liệu trong hỗ trợ điều trị rối loạn lipid huyết ngày càng được quan tâm.

Rối loạn lipid huyết là nguyên nhân dẫn đến xơ vữa động mạch và các biến chứng khác

Trong những năm gần đây, tác dụng hạ lipid huyết của một số loại nấm, bao gồm nấm linh chi, tên khoa học là Ganoderma lucidum được quan tâm nhiều hơn. Theo một số bài thuốc dân gian, Nấm Linh chi từ lâu được sử dụng trong bảo vệ gan, hạ huyết áp, chữa hen suyễn, đau khớp. Linh chi cũng còn được biết đến như một loại nấm có tác dụng bảo vệ gan rõ rệt trong y học cổ truyền. Trong đó, thành phần polysaccarid và triterpen cho tác dụng bảo vệ gan, hạ đường huyết và cả hạ lipid máu hiệu quả.

Nấm Linh chi với các tác dụng của nó trong điều trị

 

Nấm linh chi là một loại thực phẩm bổ sung lí tưởng cho việc ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị tăng cholesterol huyết khi chứa hàm lượng cao chất xơ, sterol, protein và nguyên tố vi lượng. 

Năm 2002, một nhóm nghiên cứu ở Hàn Quốc đã chứng minh tác dụng hạ lipid huyết trên chuột của nấm linh chi. Chuột được gây mô hình tăng lipid huyết bằng chế độ ăn giàu cholesterol. Sau đó được điều trị bởi polymer kép nội sinh và ngoại sinh thu từ nấm linh chi. Kết quả nghiên cứu cho thấy cả polymer kép nội sinh và ngoại sinh từ loài nấm này đều cho tác dụng hạ lipid huyết. Trong đó, tác dụng của polymer kép ngoại sinh thể hiện mạnh hơn khi làm giảm TC,LDL,TG, phospholipid và chỉ số động mạch lần lượt là 31,0, 39,0, 35,4, 28,1 và 53,5% khi so sánh với nhóm chứng. Thêm vào đó, HDL và tỷ lệ HDL/TC lần lượt tăng 24,2 và 47,6%.

Năm 2004, các nhà khoa học ở Thụy sĩ đã thực nghiệm chứng minh tác dụng hạ lipid huyết trên hamster và minipig (heo đẹt). Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, ở chuột liều 5% của nấm linh chi không ảnh hưởng đến LDL nhưng có khả năng giảm TC 9,8%. Ở liều 2,5 và 5%, nấm linh chi làm giảm hoạt động của enzyme HMG Co-A reductase. Ở minipig, liều 2,5% của nấm linh chi làm giảm TC, LDL lần lượt là 20 và 27%. Kết quả cho thấy, nấm linh chi có khả năng làm giảm LDL trong các thử nghiệm in vivo qua nhiều cơ chế. 

Cũng trong năm 2004, Hassan Hajja và cộng sự đã tìm ra rằng 26-oxygenosterols chiết xuất từ nấm linh chi có tác dụng ngăn cản sự tổng hợp cholesterol thông qua việc chuyển đổi acetate hoặc mevalonate – các tiền chất của cholesterol. Hợp chất 26-oxygenosterol có tiềm năng như một tác nhân trị liệu mới trong việc hạ cholesterol huyết.

Năm 2008, tại Malaysia, Chow-Chin Tong và Yew-Keong Choong cùng các cộng sự cũng chứng minh tác dụng hạ cholesterol trên chuột của loài nấm được quan tâm này. Chuột được cho ăn với chế độ khác nhau. Trong đó, nhóm chuột nuôi được bổ sung 0,1% linh chi cho thấy sự giảm đáng kể TG, TC và LDL, hơn nữa còn thấy sự gia tăng HDL khi so sánh với nhóm chứng được cho ăn với chế độ bổ sung 1% cholesterol nhưng không dùng linh chi. 

Năm 2010, Rosa´lia Rubel và cộng sự đã thực hiện thí nghiệm trên 2 nhóm chuột với chế độ ăn cholesterol bình thường và nhóm chuột cho ăn làm gia tăng cholesterol huyết. Cả hai nhóm chuột đều được cho uống linh chi với các liều khác nhau 85, 50, và 10%. Sau nghiên cứu, nhóm tác giả chỉ ra rằng liều 85% làm giảm cân nặng chuột đáng kể so với liều 50 và 10%. Trong nhóm chuột chế độ ăn cholesterol bình thường, liều 85 và 50% làm giảm LDL lần lượt là 71 và 98% và tăng HDL 80 và 86%. Liều 10% không ảnh hưởng nhiều đến nồng độ lipid huyết tương nhưng làm giảm đáng kể hàm lượng cholesterol huyết tương ở nhóm chuột ăn giàu cholesterol.

Năm 2014, Nguyễn Thị Thu Hương và cộng sự tại Đại học Y dược TP HCM thực hiện nghiên cứu chứng minh linh chi có tác dụng điều hòa sự tăng lipid máu và có tác dụng bảo vệ gan trước tổn thương oxy hóa gây bởi tyloxapol. Kết quả cho thấy tyloxapol làm tăng hàm lượng triglycerid, cholesterol, LDLcholesterol và giảm HDLcholesterol ở lô chứng uống nước cất. Lô dùng linh chi theo hai phác đồ điều trị và dự phòng làm giảm sự tăng trị số triglycerid ở thời điểm 48 giờ sau tiêm tyloxapol và giảm sự tăng trị số cholesterol ở thời điểm 24 giờ sau tiêm tyloxapol. Linh chi thể hiện tác dụng làm giảm sự tăng trị số LDLcholesterol, một cholesterol xấu, ở thời điểm 48 giờ sau tiêm tyloxapol. Linh chi làm tăng trị số HDLcholesterol, một cholesterol tốt, ở thời điểm 48 giờ sau tiêm tyloxapol. Ngoài ra, nấm linh chi làm giảm sự tăng MDA trong gan trong mô hình gây tăng lipid máu còn thể hiện tác dụng bảo vệ gan trước tổn thương oxy hóa.

Năm 2015, một mô hình thử nghiệm tác dụng hạ lipid máu của Linh chi trên chuột được thực hiện bởi Debendra và cộng sự. Tác dụng của loại nấm này được thể hiện rõ trên nhóm chuột gây tiểu đường bằng alloxan và cả nhóm chuột chứng bình thường. Trong đó, sau 24 giờ gây mô hình, Nấm linh chi làm giảm LDL 9,82%, TG 9,89% (cao hơn so với Metformin HCl 7,09% và 8,24%) ở chuột bị gây tiểu đường. Cũng trên nhóm chuột này, dược liệu cho tác dụng làm tăng HDL 12,66%. Trên nhóm chuột chứng không bệnh, tương tự Linh chi cũng cho tác dụng làm giảm LDL và TG cũng như tăng HDL.

Các nghiên cứu trên cho thấy tiềm năng của nấm linh chi trong điều trị rối loạn lipid huyết khi làm giảm TC, TG, LDL và làm tăng HDL qua các cơ chế khác nhau. Tác dụng của loài nấm này thể hiện rõ qua các thử nghiệm in-vitro, in-vivo và trên động vật. Nấm linh chi mở ra một hướng điều trị rối loạn lipid huyết và định hướng các thử nghiệm tác dụng này trên người bệnh trong tương lai.