Linh chi không chỉ được biết đến là một dược liệu quý đứng đầu hàng thượng phẩm chỉ dành cho Vua Chúa thời xưa mà nó còn mang ý nghĩa của sự may mắn, an lành.

 

Nguồn gốc của nấm Linh chi

Linh chi đã được biết đến từ nhiều ngàn năm trước và được đề cập đầu tiên trong việc sử dụng như là một dược liệu để trường sinh bất tử cho các bậc Vua Chúa là vào thời đại của Tần Thủy Hoàng – Vị vua đầu tiên của Trung Quốc. Tần Thủy Hoàng muốn kiếm những cây nấm này nên sai đạo sĩ Từ Phúc đem 1.500 đồng nam, 1.500 đồng nữ dong thuyền ra Ðông Hải tìm thuốc trường sinh. Vào thời này, Linh chi được gọi là “Hoàn Dương Thảo”, thời Đông Hán gọi là “Linh Thảo” và trong Thần nông bản thảo kinh nó được gọi là “Thần chi”. Ngoài ra, Linh chi còn có nhiều tên gọi khác như “Bất Lão Thảo”, “Thần Tiên Thảo”, “Dao Thảo”, “Cỏ Huyền Diệu”…

Theo khoa học, LINH CHI có tên là Ganoderma Lucidum. “Gano” trong tiếng Hy Lạp nghĩa là “sáng chói” và “derma” nghĩa là “làn da”,còn trong tiếng Latin, “lucidum” có nghĩa là “sáng bóng” hoặc “rực rỡ”.

 

Linh Chi – Ý nghĩa của sự may mắn, trường sinh!

Thời xưa chỉ có thể tìm thấy nấm trong rừng, trên những núi cao chứ không cách gì gây giống được và chỉ người có duyên lớn mới có thể gặp. Có sách nói là linh chi chỉ tìm thấy ở phía tây núi Thái Hàng. Chính vì thế Trung Quốc có nhiều huyền thoại về Nấm Linh chi còn lạ lùng hơn cả nhân sâm. Trong truyện Bạch Xà truyền có ghi chép, Linh chi sinh ra từ núi Côn Lôn, đây là nơi thiên đế hạ đô, là nơi ở của thần tiên, là đường thông lên trời. Bởi vậy dược thảo sinh ra từ nơi đây tương truyền có tác dụng cải tử hoàn sinh, làm người chết có thể sống lại. Còn có truyền thuyết kể rằng, thủa xưa khi Hậu Nghệ bắn rụng chín mặt trời và lấy được một gói thuốc bất tử từ tay Vương mẫu nương nương, có giao cho vợ là Hằng Nga và dặn: Hãy bảo quản cho kỹ, bởi uống thuốc này có thể bay lên trời. Khi bọn cướp tới ăn trộm thuốc, trong lúc nguy cấp Hằng Nga đã bỏ vào miệng mình và bay lên không trung. Tương truyền, bao thuốc đó chính là Nấm Linh chi.

Tại Việt Nam cũng có một câu chuyện thú vị về Nấm Linh chi được Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần kể như sau: vào thời Vua Lý (không rõ Vua Lý nào), khi Vua cho chuyển cung đình đến một địa điểm mới thì ở chái cung đình cũ mọc lên một cây nấm linh chi rất lớn. Vua cho mời các quan thiên văn tới xem xét thì được tâu rằng Linh chi xuất hiện chính là điềm báo đất nước hưng thịnh, người dân no ấm. Vua đã cho mở tiệc lớn ăn mừng. Từ đó, Linh chi được coi là điềm lành phúc báo dành cho người thấy nó, có nó.

Linh chi – Thượng phẩm hàng đầu cho Vua Chúa

Sách cổ “Thần Nông Bản Thảo Kinh” chia các vị thuốc ra làm ba loại “thượng phẩm, trung phẩm và hạ phẩm” thì Linh chi là dược liệu đứng đầu tiên của hàng thượng phẩm, trên cả nhân sâm, là một dược thảo kỳ diệu, có rất nhiều hiệu năng, dùng lâu không hại, có thể giúp người ta diên niên trường thọ.

Cũng theo sách này, Linh chi được chia theo màu sắc gồm 6 loại. Đó là Linh chi đỏ (còn gọi là Hồng chi, Xích chi hay Đơn chi), Linh chi xanh (còn gọi là Thanh chi hay Long chi), Linh chi vàng (còn gọi là Kim chi hay Hoàng chi), Linh chi trắng (còn gọi là Bạch chi hay Ngọc chi), Linh chi đen ( còn gọi là Huyền chi hay Hắc chi) và Linh chi tím (còn gọi là Tử chi hay Mộc chi). Trong 6 loại kể trên thì Nấm Linh Chi Đỏ được Vua Chúa ưa dùng nhất vì nó có tác dụng tốt nhất.

(Trường Sinh sưu tầm và ghi chép)